TRỤ CỘT CÔNG NGHIỆP HÓA: DẪN ĐẦU NHẬP SIÊU

Chi tiết bài viết

TRỤ CỘT CÔNG NGHIỆP HÓA: DẪN ĐẦU NHẬP SIÊU

TRỤ CỘT CÔNG NGHIỆP HÓA: DẪN ĐẦU NHẬP SIÊU

Trụ cột công nghiệp hóa: Dẫn đầu nhập siêu

 

Vỡ mộng vay vốn ưu đãi

Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, trong Danh mục dự án cơ khí trọng điểm đến năm 2015, có 11 dự án đã được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn 9.978,18 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) ký hợp đồng tín dụng với số vốn 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân tính đến cuối năm 2014 mới đạt 60,73 tỷ đồng.

Năm 2002, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, nhưng phải đến giữa tháng 1/2009, mới ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm đến năm 2015.

Khi đó, DN cơ khí hy vọng sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sau 6 năm mới giải ngân được 60,73 tỷ đồng. Với số vốn giải ngân vừa nhỏ giọt, lại vừa chậm như vậy, thì chẳng dự án nào có hiệu quả như mong đợi.

Ông Phan Tử Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) cho biết, năm 2009 PV Shipyard bắt tay vào 2 dự án sản xuất giàn khoan đầu tiên. Đúng lúc Quyết định 10/2009/QĐ-TTg ra đời, chúng tôi rất vui vì nghĩ rằng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi này.

DN cơ khí hy vọng sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

"Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án trị giá hơn 500 triệu USD vẫn chưa nhận được hỗ trợ vốn từ Nhà nước. Năm 2010, DN phải đi vay 800 tỷ đồng với lãi suất 21%/năm để triển khai dự án", ông Giang nói.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết, từ năm 2009, Vinaxuki đã trình một dự án và được chấp thuận cho vay ưu đãi 250 tỉ đồng để sản xuất linh kiện ô tô, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng vốn nào.

"Tất cả vốn đầu tư cho sản xuất phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất bình quân khoảng 17%/năm trong mấy năm qua", ông Huyên cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch VAMI cho biết, thiếu vốn là lý do chính đằng sau những vấn đề của DN cơ khí.

 
 

"Hiện có đến 50% các DN thuộc VAMI đang thiếu vốn. Không có vốn thì DN không thể đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Điểm yếu của cơ khí Việt Nam hiện nay nằm ở công nghệ cũ, lạc hậu, trình độ tụt hậu tới 2-3 thế hệ so với khu vực", ông Thụ phân tích.

Trong khi các DN trong lĩnh vực này chỉ có thể tạo ra lợi nhuận 3-5% mỗi năm, thời gian qua lại phải gánh chịu những khoản vay NH lãi suất cao từ 17-20%. Hiện nay, lãi suất ưu đãi đầu tư dài hạn của VDB là 10,5%/năm, tuy không khuyến khích với ngành cơ khí, nhưng DN mong muốn được vay mà cũng đâu có được.

Trụ cột lung lay

Thiếu vốn khiến cho khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường thấp. Đến nay, cơ khí mới chỉ đáp ứng 35% nhu cầu trong nước, thấp hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển ngành này là đáp ứng 40% đến 50% nhu cầu vào năm 2010.

Tuy nhiên, cơ khí lại là ngành dẫn đầu nhập siêu

Không những thế cơ khí lại là ngành dẫn đầu nhập siêu. Năm 2014 nhập siêu của ngành cơ khí vào khoảng hơn 10 tỉ USD. Tình trạng này được dự báo còn kéo dài trong nhiều năm nữa và ngày càng tăng.

Do công nghiệp ôtô yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhất là xe cá nhân, theo tính toán giai đoạn từ 2025 trở đi, Việt Nam sẽ phải bỏ ra trên 10 tỷ USD/năm để nhập khẩu xe, đáp ứng nhu cầu tăng cao khi bước vào thời kỳ bùng nổ ôtô. Như vậy, chỉ riêng với mặt hàng ôtô, dự báo cũng sẽ đẩy nhập siêu ngành cơ khí tăng vọt trong tương lai gần, khó có gì bù đắp nổi.

Kỳ vọng rất nhiều vào chiến lược phát triển ngành Cơ khí và Chương trình cơ khí trọng điểm nhưng qua một thời gian thực hiện, kết quả thu được từ sự phát triển của lĩnh vực này lại không như mong muốn. Cơ chế, chính sách đã mở, ưu đãi cho ngành cũng được công khai, thế nhưng khi áp dụng vào thực tế đường đi lại đầy chông gai, khó bước.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VAMI cho rằng, nguyên nhân chính chưa đạt được những mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Cơ khí cũng như Chương trình cơ khí trọng điểm là thiếu vốn. Thời gian qua, đầu tư của Nhà nước cho cơ khí không đáng kể. Chương trình cơ khí trọng điểm có định hướng đúng nhưng khi đi vào thực tế lại không hiệu quả.

Rài cản lớn nhất của cơ khí vẫn thiếu vốn và chính sách đấu thầu bất lợi. Điều này đã được nhận diện từ lâu và nhắc đến nhiều suốt 5 năm qua nhưng khó vẫn hoàn khó. Với thực tế này, giải pháp khả dĩ nhất là không nên trông chờ vào nguồn vốn từ VDB và ngân hàng thương mại sẽ là hướng đi cho DN cơ khí. Còn VDB giữ vai trò cấp bù lãi suất, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Tuy nhiên, cách này đã có DN "thử" mà không thể. Ông Phan Tử Giang cho biết, do không vay được vốn ưu đãi để sản xuất dàn khoan, PV Shipyard chủ động đặt vấn đề vay thương mại và VDB hỗ trợ lãi suất. Nhưng VDB yêu cầu đầu tư dự án xong mới hỗ trợ. Còn NH ngân hàng thương mại thì nói, phải chứng minh dự án đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất mới giải ngân được.

Cơ khí được coi là trụ cột quan trọng của ngành công nghiệp. Để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra, thì ngành sản xuất này phải thực sự phát triển. Tuy nhiên với thực tế này thì cơ khí vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí một số ngánh như: chế tạo máy còn thụt lùi so với trước đây.

Nguồn: vietnamnet.vn